Làn da thường được phân loại theo nhiều đặc tính khác nhau, gồm có: da khô, da nhờn, da hỗn hợp, da nhạy cảm, da thường. Trong đó da nhạy cảm là một trong những loại da có những đặc tính khá đặc biệt, khi giúp bạn nữ có được làn da mềm mại, trắng sáng nhưng lại khá mỏng và dễ bị tác động, khiến làn da luôn phải đối mặt với các nguy cơ kích ứng da thường xuyên.
Da nhạy cảm được biết đến với nhiều tên gọi: “reactive skin”, “overreactive skin”, “intolerant skin”, “irritable skin”, nhưng cái tên “sensitive skin” – da nhạy cảm vẫn được sử dụng nhiều nhất.
1. Da nhạy cảm là gì?
Theo Diễn đàn quốc tế nghiên cứu về ngứa (International Forum for the Study of Itch) năm 2017, tạp chí Lâm sàng Da liễu Mỹ (American Journal of Clinical Dermatology) năm 2019, da nhạy cảm được định nghĩa là sự xuất hiện cảm giác khó chịu (châm chích, nóng rát, đau, ngứa) đáp ứng với một kích thích bên ngoài mà không xảy ra trên người có làn da khoẻ mạnh. Triệu chứng này không thể giải thích được trong bất cứ bệnh da nào khác.
Da nhạy cảm không phải là bệnh da nghiêm trọng nhưng rất thường gặp. Tỉ lệ da nhạy cảm ở nữ cao hơn ở nam. Qua rất nhiều nghiên cứu cắt ngang, tỉ lệ da nhạy cảm là 1/3 ở nam và 1/2 ở nữ trên toàn bộ dân số nói chung.
2. Cơ chế của da nhạy cảm
Da nhạy cảm không phải là bệnh da dị ứng hay tự miễn. Ba cơ chế chính của da nhạy cảm là:
- Hàng rào da bị tổn thương
Một số nghiên cứu cho thấy ở da nhạy cảm, hàng rào da thường không toàn vẹn, có sự mất nước qua thượng bì và giảm nồng độ các yếu tố dưỡng ẩm tự nhiên. Không quan sát thấy sự liên quan đến pH của da và mức độ tiết bã nhờn trong da nhạy cảm.
- Tổn thương thần kinh
Cơ chế thần kinh được quan tâm nhiều nhất khi quan sát thấy sự tăng mật độ sợi C ở thượng bì (sợi thần kinh truyền cảm giác nóng, lạnh, ngứa). Ngoài ra còn thấy sự liên quan giữa hội chứng ruột kích thích và da nhạy cảm, những bệnh có cơ chế qua thần kinh. Các nghiên cứu cũng cho thấy có sự tăng hoạt động của Receptor TRPV1 (transient receptor potential vanilloid 1) hơn so với ở da không nhạy cảm. TRPV1 bị kích hoạt bởi capsaicin, pH thấp, acid lactic, tia UV, nhiệt… Đây cũng là những nguyên nhân thường gặp gây ra tình trạng nhạy cảm ở da.
- Sự thay đổi về mạch máu
Sự thay đổi về mạch máu có thể thấy là giãn mạch nông nhưng thường không biểu hiện ban đỏ và các tình trạng viêm da có thể tìm thấy được. Quan sát được hiện tượng này thông qua Laser doppler velocimetry (LDV) và Confocal Raman microspectroscopy.
3. Nguyên nhân
Có 4 nhóm nguyên nhân chính:
– Các yếu tố nội tại của da: tổn thương hàng rào da, nhạy cảm hệ thần kinh, các bệnh viêm da có sẵn.
– Các yếu tố trong cơ thể: hormon, căng thẳng, rối loạn cảm xúc.
– Yếu tố về lối sống: thói quen dùng mĩ phẩm, chế độ ăn, dùng rượu.
– Yếu tố về môi trường: ô nhiễm môi trường, thời tiết (nóng, gió), tia UV.
Một nghiên cứu tại Mỹ năm 2019 trên 20,486 bệnh nhân, cho thấy các yếu tố khởi phát da nhạy cảm thường gặp nhất là: Mỹ phẩm (OR: 7.12), Không khí ẩm ướt (OR: 3.83), thay đổi nhiệt độ (OR: 3.53)…
Các yếu tố nguy cơ của da nhạy cảm là nữ giới, da trắng, có bệnh da nền, thói quen dùng mỹ phẩm (chứa nhiều AHA, alcohol).
4. Các dấu hiệu nhận biết da nhạy cảm
Da nhạy cảm là một tình trạng da không nghiêm trọng nhưng rất hay gặp. Chẩn đoán chủ yếu bằng cảm giác của bệnh nhân và loại trừ các bệnh da khác.
Dấu hiệu nhận biết 1: Da nhạy cảm dễ bị nổi mụn
Da nhạy cảm và khô có thể tiết ra dầu nhiều hơn để cố gắng bù đắp cho sự thiếu hụt độ ẩm của da. Kết quả, da dễ dàng bị tắc nghẽn lỗ chân lông và dẫn đến mụn trứng cá.
Để khắc phục tình trạng trên, bạn nên rửa mặt không quá hai lần một ngày và nên dùng sản phẩm sữa rửa mặt cho da nhạy cảm. Lựa chọn các phương pháp trị mụn không gây kích ứng, kháng viêm như: tinh dầu tràm trà, witch hazel và tránh dùng các chất cồn, benzoyl peroxide hoặc salicylic acid trong sản phẩm.
Dấu hiệu nhận biết 2: Da nhạy cảm dễ bị kích ứng khi gặp hiện tượng thay đổi thời tiết
Những người có làn da mỏng manh thường rất dễ gặp dấu hiệu nhận biết da nhạy cảm này. Dị ứng thời tiết biểu lộ ra bên ngoài cơ thể khi có sự thay đổi nhiệt độ ở môi trường bên ngoài. Do vậy dù là trời nóng, lạnh hay mưa ẩm ướt đều khiến da bạn dễ dàng bị kích ứng.
Nguyên nhân gây ra dị ứng thời tiết là do sự thay đổi thời tiết đột ngột làm cơ thể không kịp thay đổi để thích nghi khiến cơ thể phản ứng lại bằng các biểu hiện: phù nề, ngứa, nổi mẩn, mề đay, sung huyết…
Da bị viêm và kích ứng do thời tiết có thể thuyên giảm nhờ các sản phẩm có chứa thành phần làm dịu da. Tuy nhiên, nếu tình trạng dị ứng quá nặng, bạn nên gặp bác sĩ để có các biện pháp chữa trị phù hợp.
Dấu hiệu nhận biết 3: Các mạch máu lộ rõ trên da nhạy cảm
Đây là dấu hiệu da nhạy cảm dễ nhận biết nhất. Hiện tượng da mặt bị nổi các mạch máu nhỏ li ti được gọi là giãn mao mạch, đó là hiện tượng giãn hoặc phình các mạch máu trên da. Hiện tượng này thường xuất hiện ở những vùng da mỏng, độ đàn hồi kém và dễ bị tổn thương như: vùng đầu mũi, hai bên má, vùng trước xương quai hàm, hai bên thái dương.
Điều này xảy ra khi các thành mạch vận chuyển máu trở nên yếu, do quá trình tuần hoàn máu trên da không đều và động mạch máu bị tắc nghẽn khiến các tia máu ứ đọng. Một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến giãn mao mạch trên da mặt: di truyền, thời tiết, tia UV, rối loạn nội tiết, dùng mỹ phẩm không phù hợp, sử dụng các chất kích thích, tuổi tác…
Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để tìm cho mình phương pháp điều trị thích hợp.
Dấu hiệu nhận biết 4: Da nhạy cảm dễ bị kích ứng với nước hoa và các chất tạo mùi
Mặc dù đem lại cảm giác dễ chịu cho người dùng khi sử dụng các loại mỹ phẩm, nhưng các sản phẩm có mùi thơm là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến da nhạy cảm bị kích ứng. Tình trạng da mẩn đỏ, bong tróc, thậm chí nổi mụn khi tiếp xúc với nước hoa chính là dấu hiệu nhận biết da nhạy cảm.
Các sản phẩm không mùi sẽ là sự lựa chọn lý tưởng nhưng thực chất một số nhà sản xuất sẽ thêm các hương liệu để làm mất đi mùi hóa học của thành phần chính, tạo cho chúng ta sự lầm tưởng về sản phẩm không mùi. Phải thừa nhận rằng không phải mùi hương tự nhiên nào cũng tốt.
Thông thường, những loại tinh dầu thiên nhiên như tinh dầu quế, đinh hương và bạc hà sẽ nhanh chóng khiến cho làn da nhạy cảm dễ dàng bị kích ứng, sưng hay thậm chí là đau rát.
Nếu làn da của bạn nhạy cảm, tốt nhất nên sử dụng các sản phẩm fragrance-free hoặc đặc biệt chú ý các thành phần tạo mùi có thể gây kích ứng.
Dấu hiệu nhận biết 5: Da nhạy cảm với tia UV, dễ bắt nắng hơn
Một trong các dấu hiệu nhận biết da nhạy cảm tiếp theo chính là: làn da dễ bị kích thích bởi những tác động từ mặt trời. Khi bạn bước ra đường mà không có mũ nón hay thoa kem chống nắng, da bạn sẽ ửng đỏ rồi sạm đen ngay sau đó. Hơn nữa, nếu da bạn hiện đang bị kích ứng hoặc bong tróc, nguy cơ mà bạn phải chịu từ ảnh hưởng tiêu cực của các tia cực tím là rất cao.
Bạn nên thường xuyên dùng kem chống nắng cho da nhạy cảm khi ra ngoài, đặc biệt là sử dụng cho vùng mặt vì đây là vùng da rất nhạy cảm và cũng mất nhiều công sức để chăm sóc.
Một số thành phần trong kem chống nắng có thể gây ra kích ứng, hãy tìm kiếm cho mình những sản phẩm cho chứa thành phần kẽm oxit hoặc titanium dioxit. Đây là những thành phần cực kỳ thân thiện với làn da nhạy cảm. Bạn cũng nên chọn cho mình một loại kem chống nắng có quang phổ rộng và có mức SPF từ 30 trở lên.
Dấu hiệu nhận biết 6: Da bị khô, một số vùng xuất hiện bong tróc
Da khô khiến tình trạng kích ứng của da nhạy cảm ngày càng tồi tệ hơn vì da khô bị mất đi khả năng bảo vệ cũng như không thể ngăn độ ẩm bốc hơi khỏi bề mặt da. Nhiều vấn đề sẽ xuất hiện khi trời lạnh, thời tiết khô hay nhiều gió như: bong tróc, vảy, thậm chí là lột da.
Nếu bạn cố gắng lột các lớp da chết ấy đi, bạn sẽ chịu nhiều đau đớn hay thậm chí có nguy cơ bị nhiễm trùng hoặc để lại sẹo trên da. Khi đó, sử dụng kem dưỡng ẩm và có các biện pháp giúp da hạn chế tiếp xúc với các tác động của môi trường sẽ giúp cải thiện tình hình.
Dấu hiệu nhận biết 7: Một số sản phẩm dưỡng da làm bạn cảm thấy châm chích và bỏng rát
Đây là một trong những dấu hiệu nhận biết da nhạy cảm thường gặp nhất. Da bạn có thể sẽ cảm nhận được sự châm chích và bỏng rát sau khi sử dụng các sản phẩm trang điểm hoặc chăm sóc da chứa các thành phần độc hại. Mỹ phẩm có càng nhiều thành phần thì khả năng các phản ứng nhạy cảm với da xuất hiện càng cao.
Nguyên nhân gây nên hiện tượng này là do lớp rào chắn bảo vệ da ở những người có làn da nhạy cảm mỏng hơn bình thường, từ đó các thành phần trong mỹ phẩm dễ dàng thâm nhập vào da hơn. Do đó, hãy sử dụng các sản phẩm có thành phần dịu nhẹ, an toàn cho da nhạy cảm.
Mặc dù các kích ứng do mỹ phẩm gây ra chỉ là tạm thời, nhưng nó gây cho chúng ta cảm giác khó chịu và thậm chí là đau đớn. Vì vậy, khi da bị châm chích và bỏng rát sau khi tiếp xúc với các thành phần gây kích ứng, hãy cố gắng loại bỏ sản phẩm và làm sạch da với nước lạnh càng nhanh càng tốt.
Dấu hiệu nhận biết 8: Da nhạy cảm dễ dàng bị ửng đỏ
Bị ửng đỏ da là dấu hiệu thường gặp ở những người sở hữu làn da nhạy cảm, nó có thể do các vấn đề bệnh lý ở da như rosacea hoặc do phản ứng của da với các thành phần nhất định. Những người thực sự có tình trạng da nhạy cảm sẽ thường xuyên gặp vấn đề này, vì vậy hãy cố gắng hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng.
Thông thường, triệu chứng đỏ da sẽ nhanh chóng biến mất sau khi được điều trị hoặc khi các chất gây kích thích da bị loại bỏ. Nhưng đôi khi tình trạng mẩn đỏ có thể kéo dài, đặc biệt là đối với những người bị giãn mao mạch. Áp dụng phương pháp điều trị laser thường hữu ích cho những người bị mẩn đỏ kéo dài.
Dấu hiệu nhận biết 9: Da nhạy cảm dễ bị phát ban và xuất hiện các nốt sưng
Thường xuyên phát ban và xuất hiện các dấu sưng đỏ sau khi tiếp xúc với tác nhân gây kích ứng là dấu hiệu nhận biết da nhạy cảm. Nguyên nhân gây nên tình trạng này thường là các sản phẩm được dùng để bôi lên da, chẳng hạn như các loại kem dưỡng da, kem chống nắng. Vết phát ban sẽ xuất hiện rất nhanh chóng sau khi tiếp xúc và chúng gây cảm giác khó chịu, mất thẩm mỹ.
Để đảm bảo an toàn, tốt nhất hãy kiểm tra độ mẫn cảm của da với sản phẩm mới trên một vùng da nhỏ trước khi bắt đầu sử dụng cho da mặt. Đợi 24 giờ và xem có bất cứ triệu chứng phát ban hay sưng phồng nào xuất hiện trên da hay không.
Dấu hiệu nhận biết 10: Da nhạy cảm thường xuyên bị ngứa
Làn da của bạn thường xuyên cảm thấy ngứa và căng tức, đặc biệt là sau khi làm sạch da với sản phẩm có tính tẩy quá mạnh. Có thể đây chính là dấu hiệu nhận biết da nhạy cảm.
Sử dụng nước nóng có thể làm cho tình trạng này tồi tệ hơn và đặc biệt, bạn thấy ngứa nhiều hơn mỗi khi trời lạnh và khô. Gãi hay cọ xát nhiều khiến cho da mất đi các nhân tố dưỡng ẩm tự nhiên và lớp lipid bảo vệ ở bề mặt, cũng như kích thích da nhiều hơn và thậm chí gây nên các vết nhiễm trùng.
Để cải thiện tình hình, bạn chỉ nên tắm với nước ấm và sử dụng các sản phẩm sữa rửa mặt dịu nhẹ và kem dưỡng có chứa các thành phần cấp ẩm chuyên sâu.