Trên thế giới có khoảng 3% dân số bị nám da, trong đó nám da ở phụ nữ chiếm tỉ lệ nhiều hơn, đặc biệt là phụ nữ bước vào độ tuổi trung niên.
Nguyên nhân nám da ở phụ nữ chiếm tỉ lệ cao hơn nam giới sẽ được trình bày dưới đây:
- Do nội tiết tố khác nhau
Nội tiết tố có những ảnh hưởng nhất định đến hiện tượng nám da. Nội tiết tố có sự khác nhau giữa nam và nữ, ở nữ giới việc rối loạn hay thay đổi nội tiết tố diễn ra nhiều hơn so với nam. Điều này khiến cho tình trạng nám da ở các chị em thưởng phổ biến hơn.
- Do độ dày của da
Một số nghiên cứu cho thấy, da của nam giới có độ dày gấp 7 lần nữ giới. Vì vậy làn da nam giới ít bị ảnh hưởng bởi các tác động từ môi trường như UV, ánh sáng mặt trời, không khí,.. từ đó hắc sắc tố melanin ít được sản sinh và hình thành các đốm nám.
Ngoài ra, thời gian cũng khiến bào mòn và làm lão hóa da, vì vậy nám da thường có nguy cơ cao hơn đối với phụ nữ ở lứa tuổi trung niên.
- Do tác động từ mỹ phẩm
Những tác động từ mỹ phẩm cũng là nguyên nhân dẫn đến nám da.Việc làm đẹp nhờ mỹ phẩm là nhu cầu thiết yếu của phái đẹp, trong khi đó tỉ lệ sử dụng mỹ phẩm ở nam giới thường rất ít. Điều này giải thích vì sao tỉ lệ nám da ở phụ nữ cao hơn.
- Do lượng collagen
Collagen có vai trò quan trọng đối với tế bào da, giúp các mô liên kết với nhau và tạo tính đàn hồi cho da. Mật độ collagen ở nam giới thường cao hơn nữ giới. Do vậy ở cùng một độ tuổi nhưng làn da của nam giới thường săn chắc, mịn màng hơn phụ nữ. Thông thường, từ độ tuổi 25 trở đi, làn da của phái nữ hay gặp phải các vấn đề về lão hóa, nám da cao hơn nam giới.
- Yếu tố tâm lý
Phụ nữ thường bận rộn với công việc gia đình, con cái và những vấn đề trong cuộc sống tác động đến tâm lý nữ giới. Chưa kể với chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, làm việc không điều độ có thể khiến cho nữ giới dễ bị áp lực hơn nam giới. Và đây cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng một phần không nhỏ đến diện mạo của người phụ nữ nói chung và vấn đề nám da nói riêng. Những thay đổi tâm lý bất thường, áp lực,suy nghĩ tiêu cực, chế độ nghỉ ngơi và sinh hoạt không hợp lý cũng dễ gây nên tình trạng làn da lão hóa thiếu sức sống, nám, sạm,…
Phòng ngừa, hạn chế tác động gây nám da
Việc điều trị nám da thường không đơn giản và khá tốn kém. Tuy nhiên, các biện pháp sau có thể giúp phòng ngừa các vấn đề tăng sắc tố da nói chung và nám da nói riêng.
- Nên có một chế độ ăn uống lành mạnh: Bổ sung nước một cách đầy đủ, ăn nhiều rau xanh và hoa quả sẽ giúp làn da mịn màng và căng tràn sức sống hơn.
- Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời từ 10h đến 15h: vì lúc này các tia bức xạ hoạt động mạnh nhất và có thể làm tổn thương làn da.
- Bôi kem chống nắng: trước khi ra ngoài cần bôi kem chống nắng trước 15-30 phút, loại kem chống nắng được lựa chọn cần có chỉ số SPS tối thiểu là 30. Cần bôi lại sau mỗi 2h hoặc nhiều lần hơn nếu da đổ nhiều mồ hôi hoặc đi bơi.
- Che chắn làn da bằng các trang phục chống nắng: mũ rộng vành, áo quần hay váy chống nắng có thể hạn chế sự tác động trực tiếp của tia nắng lên da.
- Không nên sử dụng các thiết bị điện tử khi không thực sự cần thiết. Ánh sáng xanh từ các thiết bị này có thể khiến da bị sạm, nám và nhanh lão hóa.
- Chế độ sinh hoạt nghỉ ngơi hợp lý: Việc ngủ đủ giấc, giữ tinh thần lạc quan, không lo âu không những giúp giảm stress mà còn giúp tránh rối loạn nội tiết tố gây nám da.
- Nên vệ sinh da 2 lần/ ngày với các sản phẩm sữa rửa mặt dịu nhẹ và an toàn. Bên cạnh đó, cần dùng kem dưỡng ẩm đều đặn để nuôi dưỡng và tăng sức đề kháng cho da.
- Hạn chế dùng các sản phẩm chứa hương liệu và hoạt chất tổng hợp. Nhiều nghiên cứu cho thấy, các thành phần nhân tạo có thể khiến da nhạy cảm hơn với tia cực tím và có nguy cơ cao bị tàn nhang, sạm nám.
- Nên bổ sung các thực uống và thực phẩm tốt cho làn da như rau xanh, trái cây, cá, nước lọc, các loại hạt, đậu,… Hạn chế dùng thực phẩm chứa nhiều đường, dầu mỡ, tránh hút thuốc lá, sử dụng rượu bia và cà phê.
- Chế độ dinh dưỡng: Rau quả tươi có thể giúp có được làn da khỏe, đẹp. Uống nhiều nước cũng rất cần thiết cho da cũng như các hoạt động khác của cơ thể. Một chế độ dinh dưỡng giàu các Vitamin A, E, C hay Omega-3,… sẽ đẩy lùi tiến trình lão hóa da, giảm thiểu nguy cơ nám da. Hạn chế bia rượu, các thức ăn gây nóng, các thức ăn làm sung huyết da có thể hạn chế được nám da cũng như các vấn đề tăng sắc tố khác trên da.
- Sử dụng mỹ phẩm được kiểm định an toàn: Các mỹ phẩm có thể chứa những chất có hại cho da, trong đó có chất bào mòn da và khiến cho da dễ bị nám. Vì vậy, không nên sử dụng các mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, các loại mỹ phẩm không an toàn cho da, và một điều cần lưu ý là lựa chọn mỹ phẩm phù hợp với từng loại da của mỗi người.
- Đi khám bác sĩ da liễu khi có các vấn đề trên da: Không để tình trạng nám da quá lâu rồi mới đi khám, vì việc phát hiện và điều trị sớm sẽ đem lại hiệu quả cao hơn. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc hay các sản phẩm không rõ nguồn gốc, vì có thể làm cho nám da nặng nề thêm.
Các biện pháp xử lý nám da hiệu quả
Nám là hệ quả do sắc tố melanin được sản sinh quá mức. Tình trạng này xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau nên quá trình xác định căn nguyên và điều trị thường gặp nhiều bất lợi.
Điều trị nám thường kéo dài từ vài tháng đến vài năm tùy vào chế độ chăm sóc, phương pháp áp dụng và mức độ nám ở từng trường hợp. Mặc dù hiện nay có khá nhiều phương pháp điều trị nhưng trên thực tế, không có phương pháp tối ưu và đặc hiệu đối với tình trạng da liễu này.
Một số phương pháp được áp dụng để điều trị nám da, bao gồm:
Sử dụng thuốc bôi trị nám
Dùng thuốc bôi là phương pháp trị nám phổ biến nhất. Phương pháp này có thể làm mờ các đốm, mảng đậm màu, làm mềm da, hỗ trợ dưỡng ẩm và ngăn ngừa lão hóa. Tuy nhiên, sử dụng thuốc và kem bôi thường có tác dụng chậm nên cần phải kiên trì áp dụng trong thời gian dài.
Các loại thuốc bôi thường được sử dụng trong điều trị nám da:
- Thuốc bôi chứa hydroquinone: Hydroquinone là hoạt chất có tác dụng điều trị các vấn đề do tăng sắc tố như sẹo thâm, tàn nhang và nám da. Hoạt chất này có tác dụng ức chế ezyme tyrosinase nhằm làm giảm quá trình sản xuất melanin. Hiện nay, Hydroquinone thường được bổ sung vào các chế phẩm dạng serum hoặc kem dưỡng với nồng độ dưới 2%.
- Thuốc bôi Tretinoid: Tretinoid là dẫn xuất của vitamin A được sử dụng để chăm sóc da mặt và điều trị các vấn đề da liễu thường gặp. Thành phần này đem lại nhiều công dụng đối với làn da như tẩy tế bào chết, biệt hóa tế bào, ngăn ngừa bít tắc lỗ chân lông và thúc đẩy tốc độ làm lành vết thương. Với cơ chế này, Tretinoid có khả năng trị mụn trứng cá, chống lão hóa, làm mờ đốm tàn nhang và nám da.
- Kem bôi chứa Acid azelaic: Acid azelaic là thành phần được chiết xuất từ một số loại ngũ cốc (lúa mì, lúa mạch). Thành phần này có tác dụng làm sáng da, cải thiện đốm tàn nhang và nám da. Bên cạnh đó, Acid azelaic còn giúp làm giảm số lượng vi khuẩn kỵ khí, tẩy tế bào chết và trị mụn bọc. Các chế phẩm dạng bôi Acid azelaic có độ an toàn cao và có thể dùng cho cả phụ nữ mang thai, sau khi sinh.
- Kem bôi, serum chứa vitamin C: Vitamin C (Ascorbic acid) có khả năng ức chế enzyme tyrosine (enzyme có chức năng kích thích sản sinh melonocytes – cơ quan sản xuất melanin). Vì vậy, các chế phẩm dạng bôi ngoài chứa thành phần này thường được sử dụng để trị nám da, tàn nhang và sẹo thâm do mụn. Bên cạnh đó, vitamin C còn có tác dụng chống oxy hóa, giúp da căng bóng, mềm mịn và làm chậm quá trình lão hóa.
- Một số loại thuốc khác: Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định một số loại bôi chứa Lactic acid, Glycolic acid, Mandelic acid, Niacinamide, Aburtin và corticoisteroid để cải thiện đốm và mảng nám sạm trên da mặt.
Đối với nữ giới bị nám da do nội tiết tố, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc điều hòa hormone như thuốc ngừa thai. Các loại thuốc này có thể cân bằng hormone estrogen, progesterone, androgen và testosterone. Khi các hormone này ở mức cân bằng, quá trình sản xuất melanin có xu hướng bình thường hóa và giảm dần các đốm, mảng nám theo thời gian.
Các loại thuốc bôi trị nám đều có thể khiến da trở nên mỏng và nhạy cảm với ánh nắng mặt trời. Vì vậy trong thời gian điều trị, nên dùng kem chống nắng, đeo khẩu trang khi ra ngoài và tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong khung giờ từ 10:00 – 16:00 hằng ngày.
Các phương pháp khác
Thực tế, sử dụng thuốc bôi chỉ đem lại hiệu quả đối với các trường hợp nám mảng, chân nám chưa ăn sâu vào trung bì và hạ bì da. Đối với nám chân sâu, các loại thuốc bôi chỉ giúp làm sáng da, giảm nhăn và cải thiện độ đàn hồi.
Vì vậy trong trường hợp cần thiết, bạn có thể điều trị nám với một số phương pháp khác như:
- Chemical peeling: Chemical peeling (lột da hóa chất) thích hợp với trường hợp nám mảng và nám hỗn hợp. Phương pháp này sử dụng các loại axit có nồng độ cao (Glycolic acid, Salicylic acid, Lactic acid,…) nhằm tẩy tế bào sừng, kích thích da tái tạo, phục hồi và làm mờ các mảng, đốm nâu trên bề mặt da. Chemical peeling có thể cải thiện sắc tố da rõ rệt, hỗ trợ giảm mụn và kiểm soát dầu thừa. Tuy nhiên, axit nồng độ cao có thể gây khô và kích ứng đối với làn da nhạy cảm.
- Laser trị nám: Phương pháp này sử dụng tia laser nhằm phá hủy các sắc tố melanin nằm ở lớp trung bì và hạ bì. Tùy thuộc vào tình trạng da, bác sĩ sẽ điều chỉnh tia laser có bước sóng phù hợp nhằm tác động trực tiếp đến chân nám. Hiện nay, điều trị nám bằng tia laser được đánh giá là phương pháp tối ưu và cho hiệu quả rõ rệt chỉ sau 10 – 20 tuần.
- Đốt điện trị nám chân sâu: Các đốm nám có màu nâu đậm thường rất khó mờ khi áp dụng laser và Chemical peeling. Vì vậy, có không ít trường hợp quyết định điều trị nám chân sâu bằng phương pháp đốt điện. Phương pháp này sử dụng tia điện phá hủy cấu trúc vùng da bị nám nhằm gây tổn thương giả, đồng thời kích thích tế bào tái tạo và phục hồi. Tuy nhiên, đốt điện trị nám có thể gây ra sẹo lõm, sẹo lồi nếu chăm sóc không đúng cách.