Nếu không dùng kem chống nắng hàng ngày, tốt nhất bạn khỏi dưỡng da!!!
Nghe phũ thật đúng không?.
Nhưng đây là điều mình khẳng định, nếu như các bạn còn đang còn chưa thực sự coi trọng việc sử dụng kem chống nắng. Vì rằng nếu bạn không dưỡng da, vẫn có rất nhiều bạn có làn da đẹp.
Nhưng nếu không chống nắng, thì không có gì ngạc nhiên nếu bỗng một ngày bạn bị breakout, bùng phát nám, tàn nhang đầy mặt.
UV chính là một trong những nguyên nhân chính và hàng đầu gây nên mọi vấn đề của da. Những bạn có làn da trắng sáng hay khỏe mạnh (nhìn bên ngoài rất căng bóng) thử đi soi da sẽ thấy chân nám, chân tàn nhang và những ổ mụn ẩn sâu trong da đợi *thiên thời địa lợi nhân hòa* để ngoi lên bề mặt da đấy! Nhưng thường thì chúng mình có rất nhiều lý do cho việc *lười biếng* này: thường xuyên ở trong nhà, ít tiếp xúc với tia UV; sợ da đổ dầu, bí gây mụn; sợ da nhạy cảm kích ứng do kem chống nắng chứa quá nhiều thành phần hóa học; gây vệt trắng trên da nhìn rất ghê; thấy quá nhiều bước lỉnh kỉnh (chưa tính đến chuyện trang điểm nữa còn mất thời gian hơn); không cần thiết bla bla…
Và bởi vậy mà không chịu (hoặc không thường xuyên) sử dụng kem chống nắng.
Nhưng, nếu bạn không sử dụng kem chống nắng hàng ngày, thì nói tóm gọn lại, cả đống tiền bạn đổ cho các sản phẩm chăm sóc, phục hồi da đều như kiểu “dã tràng se cát biển Đông” mà thôi.
Chưa nói đến những vấn đề khác mà tia cực tím gây ra cho sức khỏe của bạn, không riêng gì làn da. Vậy nên, điều quan trọng nhất trong skincare cơ bản mình luôn nhấn mạnh: làm sạch – dưỡng ẩm – chống nắng. Bởi, kem chống nắng làm được cho da bạn những điều bất ngờ không những hiện tại, mà còn là chuyện của làn da 10-20 năm sau đó.
Để có động lực đọc nhiều hơn về tác hại của tia UV và tầm quan trọng của kem chống nắng, mình dẫn luôn một ví dụ điển hình nhé.
Năm 2012, ông McElligott, 66 tuổi làmột người lái xe tải trong vòng 28 năm tại Chicago, Mỹ. Thời gian lái xe của ông là từ sáng sớm đến 3h chiều, đây là khoảng thời gian tia cực tím có cường độ mạnh nhất. Một điều kì lạ là hai bên mặt của ông làn da có sự khác biệt lớn. Và sau khi gặp các bác sĩ da liễu kiểm tra, kết quả cho biết vùng da nhăn nheo bị dày sừng và lằn gợn rõ rệt, thoái hóa mô đàn hồi, dấu hiệu phù hợp với triệu chứng bệnh lão hóa do bức xạ, tên khoa học là dermatoheliosis.
Điều này dẫn tới một bên khuôn mặt ông có làn da bị lão hóa hơn 20 năm so với độ tuổi của ông. Một bên khuôn mặt ông có độ tuổi là 66 và một bên khuôn mặt có làn da 86 tuổi.
Giờ thì mình sẽ đi sâu hơn về chống nắng nhé!
1. Về tia cực tím và tác động của nó tới da
Trong ánh sáng có chứa tia cực tím, chiếm tới 80% nguyên nhân lão hóa da. Những tia cực tím này làm phát sinh những oxy hoạt tính (free radical) làm tế bào bị oxy hóa. Các oxy hoạt tính này làm tăng nguy cơ lão hóa (xuất hiện các vết thâm, nám, tàn nhang) và thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch, tiểu đường do tuyến hoocmon insulin bị oxy hóa (những người già thường gặp vấn đề này một phần là từ những ngày mưa dầm thấm lâu không chống nắng tốt, ngoài ra thì còn do sự lão hóa tự nhiên, chế độ ăn uống và sinh hoạt nữa).
Tia cực tím chứa 3 loại: UVA, UVB và UVC. Tuy nhiên UVC là tia cực tím yếu nhất, bị giữ lại hầu hết ở tầng ozon nên chúng mình có thể bỏ qua không cần quan tâm.
a. Tia UVA (400-320nm) chiếm 95% lượng tia cực tím. Đây còn gọi là tia có bước sóng dài, thâm nhập sâu vào trong da tới tận lớp bì. Khi tia này xuyên qua lớp biểu bì da, nó sẽ làm hư hại lớp đáy của biểu bì, tăng sản sinh sắc tố melanin (gây thâm, nám, sạm, tàn nhang), đồng thời phá hủy các tế bào langerhands gây suy giảm miễn dịch của da. Điều này các bạn có thể thấy ngay bằng một phép thử. Khi bạn ra ngoài nắng mà không sử dụng kem chống nắng, bạn sẽ thấy các vết thâm, tàn nhang hoặc nám trên da đậm màu hơn hẳn khi bạn ở trong nơi ít ánh sáng do UVA làm da tự sản sinh melanin nhiều hơn (cơ chế tự bảo vệ của da). Và vì bước sóng rất dài và cường độ mạnh, nên tia UVA tiếp tục xuyên sâu đến lớp biểu bì, xâm nhập vào lớp bì làm biến tính các collagen và elastin, gây nên nếp nhăn. Cũng bởi bước sóng dài nên UVA có thể xuyên qua mọi chất liệu (kể cả là bê tông), bởi vậy dù bạn ở trong nhà thì vẫn có UVA tác động vào da.
Vì thế, đừng nói với mình bạn không sử dụng kem chống nắng do bạn ở trong nhà cả ngày nhé.
b. Tia UVB (320 – 280 nm) còn gọi là tia có bước sóng trung bình, có tính gây tổn thương da, gây hiện tượng đỏ rát, bỏng da và cháy nắng. Nếu thời gian tiếp xúc với tia này nhiều thì sẽ khiến da bị sưng phù, lâu hơn có thể làm cơ thể bị đau nhức và sốt (một phần lý do mà bạn đày nắng nhiều dễ bị sốt). Tia này xuyên qua lớp biểu bì, khoảng 10% đến được lớp bì. Tác động của tia UVB đến da mạnh so với UVA, là nguyên nhân gây tổn thương da, ung thư da và tổn thương mắt. Tuy nhiên, tia này chỉ tác động lên da khi bạn tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
2. Phân loại kem chống nắng
Kem chống nắng được chia làm 3 loại: kem chống nắng vật lý (KCNVL) – thường là sunblock, kem chống nắng hóa học (KCNHH) – thường là sunscreen và kem chống nắng kết hợp cả vật lý và hóa học.
a. Kem chống nắng vật lý (KCNVL) – sunblock – là những sản phẩm nằm trên bề mặt da, có khả năng phản quang lại tia cực tím. Dễ hình dung nhất là bạn cứ tưởng tượng là, trời mưa ra ngoài bạn mặc áo mưa, nước mưa gặp áo mưa mà chảy xuống chứ không thấm vào người bạn, thì KCNVL như lớp áo khiến tia UV bị bật ngược trở lại khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Trong KCNVL, các thành phần “active” là Zinc Oxide và Titanium dioxide. Các chất này bảo vệ da khỏi tia UV rất vững chãi.
Bởi vì không thấm vào da, chỉ bọc bên ngoài nên KCNVL rất lành tính và an toàn cho da cũng như sức khỏe, bền vững dưới nắng. Nhưng để lớp kem này có tác dụng thì ta cần phân bổ các hạt khoáng chất này đều và đủ.
Điều quan trọng nhất khi sử dụng sunblock chính là bôi đúng và đủ. Nếu bạn bôi quá mỏng, lớp áo này trở nên vô ích. Kiểu như trời lạnh mà bạn mặc mỗi cái áo voan mỏng dính thì bạn chỉ có rét run vì lạnh ấy. Và đây chính là yếu điểm của nó. Không phải ai trong tất cả chúng mình cũng biết sử dụng liều lượng vừa đủ, vì chúng mình cũng sợ dùng nhiều thì lãng phí, mà dùng ít không hiệu quả thì lại càng phí.
Một điểm yếu nữa của sunblock chính là tạo nên một lớp bề mặt trắng xóa trên da và có khả năng gây bóng nhờn. Dễ hiểu là bạn cứ đeo một lớp mặt nạ cả ngày thì mặt bạn bí đổ dầu là điều tự nhiên. Tuy nhiên, có một tin vui là công nghệ mỹ phẩm hiện đại ngày nay giúp các hạt khoáng được nghiền nhỏ hơn nên lớp kem chống nắng vật lý chỉ còn lại một lớp trắng mỏng. Có điều, nếu da bạn là da dầu, hỗn hợp dầu thì khả năng lớn là lớp kem chống nắng này sẽ bị chảy, dễ gây nên các vệt trắng loang lổ.
Nếu bạn trang điểm thì có thể che được điểm này đi, nhưng nếu chỉ dùng kem chống nắng là bước cuối cùng thì sunblock không thực sự là lựa chọn tối ưu cho làn da hỗn hợp đến thiên dầu.
b. Kem chống nắng hóa học (KCNHH) – sunscreen – là loại kem chống nắng phải thẩm thấu vào da thì mới chống được tia UV. Không phải vì thành phần cuả nó là hóa học mà nó được gọi là KCNHH (vì cái gì mà chẳng cấu tạo từ các thành phần hóa học cơ chứ, kể cả KCNVL hay là mọi vật chất trong tự nhiên), mà bởi vì nó hoạt động bằng cách thấm vào da chứ không bọc bên ngoài.
Khi ấy, tia UV xuyên vào da sẽ bị các chất trong sunscreen vô hiệu hóa. Từ đó mà UV không còn có cơ hội xuyên thấu sâu vào lớp biểu bì da để gây tổn thương da nữa. Các thành phần “active” của nó là octinoxate, octisalate, octocrylene tinosorb, oxybenzone, avobenzone, mexoryl…
Ưu điểm lớn nhất của nó là khiến da bạn đỡ bí, bớt bóng dầu và vệt trắng. Tuy nhiên nó lại không bền vững, và vì thế bạn thường xuyên phải bôi lại (khoảng 2-3h sau khi tiếp xúc trực tiếp với nắng, còn nếu bạn chỉ làm công sở, ngồi máy tính cả ngày trong văn phòng, ra ngoài vào mỗi tẹo vào buổi sáng thì mình nghĩ thoa kem chống nắng 1 lần/ngày là đủ để bảo vệ da).
Ngoài ra, ngày nay, trong một số loại kem chống nắng còn chứa cả thành phần chống nắng vật lý và thành phần chống nắng hóa học. Đây là loại kem chống nắng tuyệt vời để bảo vệ làn da một cách tối ưu, tích hợp được những ưu điểm của cả kem chống nắng vật lý và hóa học.
Loại này cực kỳ ưu việt, đã được sử dụng rộng rãi từ rất nhiều năm trước đây ở châu Âu, Úc và Nhật Bản: Tinosorb S và Tinosorb M. Ngoài ra còn có Meroxyl cũng có tác dụng tương tự Tinosorb.
Các thành phần này mang đặc tính của cả kem chống nắng vật lý và hóa học, vừa giúp che chắn lại vừa hấp thụ và khuếch tán các tia UV gây hại. Vượt trội hơn ở điểm Meroxyl và Tinosorb có phổ chống nắng cao giúp bảo vệ da khỏi cả hai loại UVA và UVB.
Ngoài
, chất này còn làm ổn định các thành phần chống nắng hóa học khác dễ bị thoái hóa dưới nắng, điển hình là avobenzone và octinoxate. Thế nên, kem chống nắng nào mà chứa Meroxyl và Tinosorb thì cực kì tuyệt vời, vừa có tính thẩm mỹ cao, không gây màng trắng thành vệt trên da, không bí bách khó chịu da, vừa giúp sản phẩm bền vững và giảm bớt đi nỗi lo phải thoa kem lại liên tục.
Nói chung, kem chống nắng nào cũng sẽ gây bí và dầu hơn một tẹo (chỉ là một tẹo thôi nếu bạn dùng các kem chống nắng hóa học hoặc vật lý kiêm hóa học) so với việc bạn không dùng (dĩ nhiên rồi!).
Tuy nhiên, so với cái cảm giác khó chịu một xíu của kem chống nắng tạo ra với những tác hại khủng khiếp của việc không chống nắng thì mình thà chấp nhận sự khó chịu kia còn hơn )). Mà thực ra, bằng các công nghệ hóa mỹ phẩm ngày nay, thì việc tạo ra những sản phẩm chống nắng giảm tối đa tình trạng bí da, bóng dầu hay vệt trắng là điều không còn xa lạ.
3. Cách sử dụng kem chống nắng hiệu quả
Đối với việc thoa kem chống nắng, bạn nhất định đừng-bao-giờ-tiếc. Mình cho rằng, kem chống nắng là khoản bạn nên đầu tư nhất trong chuỗi skincare hàng ngày. Nếu bạn không chống nắng tốt thì những sản phẩm serum, kem dưỡng, mặt nạ, tẩy da chết, toner lên đến vài triệu đồng cũng không thể phát huy được hiệu quả tối đa, nếu không muốn nói một cách phũ phàng là *công cốc*.
Chưa tính một số bạn chăm sóc da nâng cao bằng các sản phẩm chứa retinoids, AHA, BHA, benzoyl peroxide…thì da càng nhạy cảm với nhiệt và ánh sáng. Lượng bôi vừa đủ cho vùng mặt là ¼ thìa cà phê, tương đương với 1 quả nho tươi, 1 đồng xu 2000đ, 1 lượng kem trải đều từ gốc đến đầu ngón tay giữa (so sánh như này đủ để bạn hình dung được chưa nhỉ ).
Như mình đã đề cập bên trên ấy, việc thoa kem chống nắng quá tiết kiệm khiến bạn càng lãng phí hơn đấy (thế mới hài chứ)!
Bạn nên cho kem chống nắng vào lòng bàn tay, tản đều kem và vỗ lên mặt, vừa vỗ vừa áp cho kem thẩm thấu đều. Hoặc bạn có thể chấm lên 5 điểm trên mặt rồi thoa khắp mặt, nhưng chỉ để tán kem ra chứ không phải…thoa mãi.
Sau đó vỗ nhẹ. Việc thoa tròn kem chống nắng sẽ làm giảm tác dụng một phần và kem cũng không thẩm thấu được vào da (đặc biệt là kem chống nắng hóa học). Cách bôi này giúp kem thẩm thấu nhanh, khô thoáng và đều hơn. Nếu da bạn không hấp thụ hết được một lượng kem chống nắng như vậy thì bạn có thể chia ra thành 2-3 lượt thoa, vỗ đều giữa các lần. Sau 10-15 phút, bạn có thể dùng giấy thấm dầu thấm toàn bộ mặt để giúp da khô thoáng hơn. Nhưng tuyệt đối là không dùng giấy thấm dầu để lau nhé, chỉ là thấm nhẹ thôi.
Thường thì một tuýp kem chống nắng 50ml nếu sử dụng hàng ngày, mỗi ngày 1-2 lần thì trong khoảng 3 tháng bạn sẽ dùng hết. Không nên lâu hơn. Mà lâu hơn tức là bạn dùng không đủ liều lượng rồi .
4. Ghi chú về các chỉ số trên kem chống nắng:
a. SPF( Sun Protector Factor) – là chỉ số bảo vệ da trước tia UVB
Có rất nhiều tranh cãi về việc 1SPF thì chống được tia UVB trong thời gian kéo dài 5p, 10p, hay 15p. Điều này còn phụ thuộc vào màu da của bạn nữa, da càng trắng thì khả năng chống nắng của kem càng thấp, tức là với người da trắng, 1 spf = 5p, còn người da vàng châu Á như bọn mình thì 1spf = 10, người da đen 1spf=15. Như vậy, kem chống nắng có chỉ số spf 30 = 300 phút, spf50 = 500 phút. Đấy là trên lý thuyết, khi mọi yếu tố là hoàn hảo. Còn thực tế thì kem chống nắng không bền vững lâu như nó được tính toán. Vì những yếu tố như mồ hôi, tiếp xúc với nước, sự đổ dầu trên da, lượng kem chống nắng không đủ….khiến cho khoảng thời gian chống nắng không bao giờ được 300-500 phút cho 1 lần thoa cả 📷. Bởi vậy mới có chuyện, chúng mình nên thoa kem chống nắng lại sau 2-3 tiếng nếu hoạt động trực tiếp dưới nắng lâu.
SPF 30 chống được khoảng 97% tia UVB, SPF 50 chống được khoảng 98% UVB, vì vậy, việc chọn kem chống nắng có chỉ số SPF quá cao (trên 50) là không cần thiết, vì nó cũng không thực sự giúp bạn chống nắng tốt hơn, mà có khi còn làm tăng rủi ro kích ứng da, bí da và bám quá lâu trên da không tốt cho sức khỏe. Với khí hậu nhiệt đới như ở Việt Nam, kem chống nắng có chỉ số spf 30-50 là hoàn hảo ^^!
b. PA( Protection Grade) – chỉ khả năng bảo vệ da trước tia UVA
Có 3 cấp độ thường gặp ( bây giờ là 4 rồi nhé):
PA+: Chống tia UVA 40-50%
PA++: Chống tia UVA 60-70%
PA+++: Chống tia UVA 90%
PA++++: Chống UVA 95-98%
Ở một số sản phẩm, bạn không nhìn thấy chỉ số PA này ghi trên bao bì. Đơn giản vì PA chỉ dùng cho các kem chống nắng châu Á (Hàn, Nhật). Còn ở các nước châu Âu thì dùng chỉ số PPD. Ở Mỹ thì hơi mơ hồ mình không rõ lắm.
Tóm lại về PA hay PPD, chỉ số càng cao thì khả năng bảo vệ da của bạn trước tia UVA càng lớn.
PA+ tương đương PPD 2 – 4 PA++ tương đương PPD 4 – 8 PA+++ tương đương PPD 8 – 16 PA++++ (4 cộng) tương đương PPD 16+
*** Một số kem chống nắng kèm chỉ số để các bạn dễ so sánh và tham khảo: